Chiếc Ba Lô chiến sĩ
Không biết chiếc ba lô có trong lịch sử từ khi nào, chỉ biết rằng chiếc ba lô gần gũi thân thuộc với người Việt Nam ta từ những ngày kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng với hình ảnh thân thương yêu quí của người lính Cụ Hồ. Anh vệ quốc đoàn, Vệ quốc quân đeo ba lô vuông. Anh giải phóng quân đeo ba lô con cóc. Những chiếc ba lô màu xanh lá cây đeo trên lưng người lính trong đoàn quân trùng điệp ra chiến trường đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách.
Trong kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh người lính với chiếc ba lô sao mà thân thương và thiêng liêng đến lạ lùng, ngay cả khi hy sinh, di vật đầu tiên của người lính là chiếc ba lô. Trong đó bao điều giản dị, vài cuốn sổ nhỏ, một ngôi sao, một đôi dép cao su, và những lá thư còn ở lại. Tất cả những thứ đó có giá trị vô cùng, vì đã vượt qua được cái chết, vượt qua bao mưa bom bão đạn. Có những chiến sĩ đã anh dũng nằm lại vĩnh viễn trên những cung đường, trên những chuyến phà, trên những cây cầu, và trên những dòng sông chảy xiết… nhưng chiếc ba lô thì không hề bị “chết”, vẫn ở lại với thời gian, với đồng đội, nâng tâm hồn người lính trong những bước quân hành.
Chiếc ba lô màu xanh xứ sở đã theo người lính đi khắp các chiến trường , đi suốt chiếu dài của cuộc kháng chiến, đi đến thắng lợi cuối cùng. Giặc tan, chiếc ba lô ấy lại theo người lính đến các công trình thuỷ điện, xây dựng đường dây 500kv, công trình đường Hồ Chí Minh lịch sử, xây dựng bao công trình đảo nhỏ tiền tiêu. “Một Ba lô cây súng trên vai, người chiến sĩ quen với gian lao”, hướng đi của người lính là đi về phía có tiếng súng, đi về phía có quân thù. Ngày xưa phía ấy là đạn bom, ngày nay phía ấy là nơi có đồng bào ta còn đói cơm rách áo, là các em thơ chưa có điều kiện đến trường, là đói tri thức đói tình thương đói sự công bằng, là tiến công vào khoa học công nghệ hiện đại để xây dựng quân đội ngày càng chính qui hiện đại.Người lính Cụ Hồ, tôi và đồng chí của tôi đang khoác ba lô tiến về phía ấy.
Với tôi, ngay từ ngày đầu nhập ngũ đã được phát một chiếc ba lô màu xanh lá cây. Tôi đeo sau lưng, khoác lên mình bộ quân phục “màu xanh của rừng” rộng thùng thình đi đi lại lại ngắm mình trong gương. Điều mà tôi ước ao bấy lâu đã trở thành sự thật, đó là được trở thành người lính canh giữ đường biên Tổ Quốc, được đeo ba lô như các chú bộ đội hành quân ra trận trong phim. Những ngày đầu của cuộc sống trong môi trường quân đội, có lẽ người để tôi tâm sự nhiều nhất vẫn là chiếc ba lô. Nó chở nặng bao mồ hôi thấm áo mỗi đêm hành quân rèn luyện và chứa đựng bao điều thầm kín của tôi: Những lá thư tình yêu của người bạn gái, chiếc khăn tay mẹ thường ủ cơm trưa cho tôi ăn hồi còn là học sinh, cuốn sổ ghi những lời cha dặn, chiếc áo len ấm bàn tay dịu hiền của chị, cây bút máy chi đoàn tặng tôi trước buổi lên đường. Chiếc gối thêu “Kỷ niệm quê hương” của người bạn gái…Tất cả được xếp gọn gàng trong đáy ba lô. Khi tôi là học viên trường sĩ quan, rồi khi ra trường làm nhiệm vụ ở nơi biên giới, hải đảo xa xôi, vẫn chiếc ba lô đã sờn có phần nhạt màu vì nắng gió, vẫn luôn là người bạn đồng hành chứng kiến bao buồn vui sung sướng bên tôi. Khoác ba lô trên vai mà lòng mình tự hào là người lính Cụ Hồ, hãnh diện mình là người nối tiếp các thế hệ cha anh đi trước. Phút giải lao khi hành quân, tựa lưng trên chiếc ba lô đọc thư nhà, hoặc “tác nghiệp” thư cho người bạn gái mà ba lô làm bàn kê để nét chữ không run.
Chiếc ba lô chở nặng tình chiến sĩ. Thời gian càng dài, tuổi lính càng nhiều thì chiếc ba lô cũng thêm căng dày nặng trĩu. Không chỉ căng dày về những gì có bên trong, mà còn chất chứa biết bao tình đời tình người trong suốt cuộc đời quân ngũ.
Mai Thắng