Giỏ hàng của bạn

Chiếc Ba Lô của lính chiến

Khi nói về hình ảnh anh bộ đội, người ta thường nhắc đến chiếc mũ và chiếc ba lô. Chiếc ba lô luôn theo sát anh bộ đội trên mọi nẻo đường. Nó được ví là ngôi nhà di động của lính. Trong đó có đủ mọi thứ cho sinh hoạt hằng ngày. Từ vật che mưa nắng, cái ăn, cái ngủ, thuốc men, sách vở…

Người ta nói nhiều về chiếc ba lô, nhưng ít ai nói đến chiếc gùi - một dụng cụ đã thay thế chiếc ba lô. Gùi là cái ba lô đã biến tướng cho phù hợp với hoàn cảnh của anh bộ đội ở mặt trận. Tên gọi nguyên thủy của chiếc gùi mà bộ đội dùng là từ của người dân tộc thiểu số, dùng để chỉ vật dụng đựng đồ khi vận chuyển. Nó được đan bằng tre, nứa hoặc mây, song, có quai để đeo sau lưng.

Hầu hết lính chiến, khi đã vào chiến trường ở vùng rừng núi là bỏ chiếc ba lô. Thay vào đấy là chiếc gùi. Nguyên liệu để thiết kế gùi chủ yếu là vải bạt. Vải bạt được cắt ra từ chiếc võng pha nilon của Trung Quốc hoặc từ vải bạt của Mĩ. Vải bạt của Mĩ làm gùi không thật chắc như vải cắt từ võng, nhưng ưu điểm nổi trội hơn là không thấm nước.

Lính ta cắt vải bạt rồi may thành cái túi hình chữ nhật. Chiều dài túi chừng 80 phân, rộng 40 phân. Hai góc đáy túi đính 2 khuy bằng dây dù để móc quai gùi. Quai gùi được cắt từ quai ba lô của ta hoặc của Mĩ. Quai ba lô Mĩ bằng dù, chắc, đẹp hơn của ta. Đầu hai bản to của quai đính chặt vào nhau, may vào giữa 1 dây dù để buộc túm miệng gùi. Hai đầu nhỏ kia, may vào hai cái móc để móc vào hai khuy của đáy gùi. Như vậy là quai gùi và gùi hoàn toàn rời nhau.
Khi hoạt động, chiến đấu ở vùng rừng núi, dùng ba lô rất bất tiện. Ba lô may bằng vải bạt nên dễ thấm nước, dính bùn đất. Nếu bẩn, khó giặt, lâu khô. Khi luồn lách trong rừng rậm, ba lô cồng kềnh, có nhiều túi phụ nên rất dễ vướng gai gốc. Túi chính và ba túi phụ của ba lô, nếu buộc không kín sẽ là nơi trú ngụ của rắn rết. Khi đi chiến đấu, để ba lô lại hậu cứ sẽ bị ẩm mốc…

Còn chiếc gùi, như đã tả ở trên, nó hoàn toàn đối lập với hạn chế của chiếc ba lô.

Bây giờ, rất ít thấy hình ảnh chiếc gùi vải của anh bộ đội. Hi vọng chúng có trong các bảo tàng. Thế nhưng, ngày còn chiến tranh, chiếc gùi là vật dụng không thể thiếu đối với anh bộ đội thường xuyên ở chiến trường, phải chiến đấu, công tác trong địa hình rừng núi. Trong gùi, có đủ các thứ cần thiết cho lính chiến. Một chiếc tăng (tấm nilon dài khoảng 2,5m; rộng 1,2m) – là mái nhà di động, chiếc võng, vài bộ quần áo (vậy là quá nhiều), lương khô, túi thuốc cá nhân, sổ sách, thư từ, bút giấy, vài trăm viên đạn, dăm quả lựu đạn…Nếu tay nào kĩ tính, may cẩn thận, khi bơi qua sông, chiếc gùi dùng làm phao. Ra trận địa, buộc chặt miệng gùi, vứt lại hậu cứ, không lo ướt, ẩm mốc. Khi bẩn, chỉ cần xuống suối gặt rồi giũ qua, khô liền.
Tiện ích là vậy, nhưng thật xui xẻo cho chiếc gùi của lính khi chiến tranh đã lùi xa. Chẳng còn hình ảnh nào của nó, chẳng mấy ai biết về nó. Có bất công quá không, nếu so với chiếc ba lô?

 

Lê Văn

http://levan.blogtiengviet.net/2012/02/21/chiaoic_ba_laa_carsa_lasnh_chiaoin

Kết nối mạng xã hội

hotline chăm sóc khách hàng

090 678 6026

Đăng ký nhận tin từ SimpleCarry

Facebook Instagram Youtube Top