Quẩy balo lên và đi với 3 cung đường trekking tuyệt nhất miền Bắc
Vì trong từ điển của dân ghiền trekking là không có chữ “dừng lại” nên hãy cùng chúng tôi quẩy ba lô lên và đi, tiếp tục chinh phục những cung đường trong mơ dưới đây nhé.
Bạch Mộc Lương Tử – nơi gặp gỡ giữa trời và đất
Sau khi có dự án xây dựng hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan, Bạch Mộc Lương Tử trở thành điểm đến mới của giới trekking yêu thích thử thách và vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ.
Bạch Mộc Lương Tử (Bạch Mộc) là ngọn núi cao 3.046m so với mực nước biển, cũng là ngọn cao nhất trong dãy núi cùng tên, nằm giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Đây là đỉnh núi cao thứ tư tại Việt Nam sau Fansipan (3.143m), Pu Ta Leng (3.096m), Pu Si Lung (3.076m).
Để đến được đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, bạn phải vượt qua quãng đường dài khoảng 30km đường rừng với địa hình khá hiểm trở từ đồi trọc, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn, rừng trúc lùn đến những vách đá cheo leo toàn rêu phủ. Do vậy, hành trình chinh phục Bạch Mộc không dành cho những bạn thiếu sự quyết tâm, thể lực yếu và sợ độ cao.
Có 2 cung đường bạn có thể lựa chọn để trekking Bạch Mộc:
Một, đi xe khách từ Hà Nội đến Sa Pa, sau đó thuê xe máy hoặc ôtô đến bản Ki Quan San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai (cách Sa Pa khoảng 50km), mất khoảng 3 ngày 2 đêm.
Hai, đi xe khách từ Hà Nội đến TP.Lai Châu, sau đó thuê xe máy đi khoảng 40km đến địa điểm leo ở bản Dền Sung xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu, mất khoảng 4 ngày 3 đêm.
Đường đi tuy khó khăn và khá hiểm trở nhưng lại là một thử thách cực thú vị với các bạn trẻ đam mê trekking. Cắm trại giữa núi rừng thăm thẳm, giữa bạt ngàn ánh sao đêm, xung quanh là tiếng côn trùng kêu rả rích cũng là một trải nghiệm tuyệt vời mà cả đời này bạn sẽ “nhớ như in”. Khó khăn là thế nhưng khi đến được đỉnh, khung cảnh thần tiên “đến nghẹt thở” sẽ là phần thưởng cho bạn khi đã vượt qua đoạn đường khó khăn với những cánh rừng rậm, những con suối chảy xiết hay vách đá dựng đứng giữa trời.
Thời điểm đẹp nhất để tận hưởng khung cảnh thiên nhiên kì vĩ của Bạch Mộc là lúc bình minh và hoàng hôn, khi mà mặt trời bắt đầu nhô lên giữa biển mây bồng bềnh và lấp ló sau rặng núi tạo ra thứ ánh sáng kỳ ảo. Thật không quá khi ví Bạch Mộc Lương Tử là nơi gặp gỡ giữa trời và đất.
Đến Tà Xùa gặp gỡ nàng Mây
Tà Xùa, cái tên lạ tai mà đối với bạn có thể là “nghe đã thấy xa xôi” – như lần đầu nghe về Si Ma Cai, Cán Cấu, Mã Pí Lèng, Y Tý, Sìn Hồ… Tuy nhiên với dân mê leo núi – chụp ảnh, đây là ngọn núi mà nhất định họ sẽ phải đến một lần trong đời.
Là một xã vùng cao nằm ở độ cao trung bình từ 1400 – 1600m so với mực nước biển, Tà Xùa thuộc huyện Bắc Yên, Sơn La, cách thủ đô Hà Nội khoảng 200km dọc theo tuyến đường Quốc lộ 32 và 37. Tà Xùa có 3 đỉnh núi chạy liền nhau, trong đó, đỉnh cao nhất lên đến 2.865m – là đỉnh núi xếp thứ 10 trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Muốn chinh phục Tà Xùa, bạn chỉ có thể tự dựa vào lòng quyết tâm, đôi chân và sức lực của chính mình bởi con đường này vô cùng khó khăn. Vậy nên, dân ghiền trekking vẫn thường kháo nhau rằng, chinh phục Tà Xùa là cuộc chơi không dành cho những tay mơ.
Trong kí ức của những dân trekking “cộm cán”, dày dạn kinh nghiệm, nhớ đến Tà Xùa là nhớ về cảm giác leo dốc thở không ra hơi, hết dốc này đến dốc khác, là những đêm mưa rừng không ngớt thấm ướt mặt người chẳng thấy lối đi, là những bùn lầy trơn trượt, là vách núi dựng đứng, là khoảnh khắc rùng mình khi đi dọc “Sống lưng khủng long”…
Tà Xùa là cuộc hành trình gian khổ nhưng cũng xứng đáng là cuộc hành trình “để đời” của bạn. Vượt qua những gió mưa thét gào, bạn sẽ thấy hối hận “tại sao mình không đi Tà Xùa sớm hơn?”.
Từ trên đỉnh núi, hít một hơi căng đầy lồng ngực gió của trời, mùi thơm cây cỏ, dưới chân là một biển mây bồng bềnh, bạn sẽ thấy tất cả gian lao cực kì xứng đáng. Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ không những khiến bạn có cảm giác tự hào về bản thân đã vượt qua thử thách thành công mà còn hiểu được cảm giác thôi thúc chinh phục thiên nhiên của những người đi trước, để rồi tiếp tục nuôi dưỡng những đam mê trên mỗi hành trình.
Pha Luông – “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”
Đỉnh Pha Luông có độ cao khoảng 2.000m, là nóc nhà của Mộc Châu (Sơn La). Pha Luông nằm giữa biên giới Việt – Lào, địa thế hiểm trở, tình hình an ninh tương đối phức tạp nên để leo lên đỉnh cần có sự cho phép của đồn biên phòng Pha Luông. Tuy đường đi không quá khó như Bạch Mộc Lương Tử hay Tà Xùa nhưng đoạn đường leo lên Pha Luông cũng khiến nhiều người ngán ngẩm.
Nói về sự hiểm trở của Pha Luông, có lẽ ít ai là không nhớ đến những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
Đối với dân trekking, cung đường leo Pha Luông rất nhiều cảnh đẹp nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Ban đầu, bạn có thể mê đắm với vẻ đẹp của tự nhiên khi đi giữa những hàng trúc bạt ngàn hay dưới những cây phong vàng ruộm mùa thay lá thì ngay sau đó bạn đã nhăn mặt, căng người vì đường đi liên tục là “dốc nối dốc” làm bạn phải “thở bằng tai”, những con đường mòn nhỏ khiến bạn không thể đi thẳng mà phải luồn lách. Đặc biệt, chặng đường cuối cùng hoàn toàn là dốc đứng, trơn trượt, hiểm trở tới mức bạn gần như không có gì để bám mà phải bò nên cần cẩn trọng từng bước.
Tuy nhiên, kết quả thì không hề tệ chút nào, trải qua một hành trình leo khoảng 4 tiếng, vượt qua khu rừng trúc rậm rạp, khi lên đến đỉnh, bạn sẽ thấy một khoảng không gian thoáng đãng với tầm mắt trải rộng tít tắp và cả những vách đá dựng đứng kỳ vĩ giữa bao la đất trời. Vào những ngày đẹp trời, bạn còn có thể nhìn thấy cả một biển mây vần vũ dưới chân mình cực kì ngoạn mục.
Một số điểm cần lưu ý khi bạn quyết định vác ba lô lên và trekking những cung đường này:
- Lên lịch trình cụ thể và tính toán kỹ thời gian. Liên hệ trước với người dẫn đường, chỗ thuê xe máy và đặt trước vé xe khách, vé tàu cả hai chiều.
- Nên đi theo nhóm và cố gắng rèn luyện trước khi tham gia leo núi.
- Chỉ mang đồ ăn gọn nhẹ, tránh mang vác quá nhiều.
- Khi leo núi cần đi thật đều, tập trung nhịp thở, không nghỉ liên tục, cố gắng đi thật mệt mới nghỉ. Không được nghỉ quá lâu, cơ thể bị lạnh và các khớp dễ mỏi. Khi uống nước chỉ nên ngụm từng hớp nhỏ, tránh uống nhiều liền lúc.
- Nếu ngủ qua đêm, bạn cần mang nhiều đồ ấm, miếng dán nhiệt, thảm cách nhiệt trải nền khi ngủ vì thời tiết trên núi rất rét.
- Không dừng lại nghỉ giữa đường, bắt buộc phải leo đến điểm nghỉ, là nơi bằng phẳng, kín gió, có nguồn nước gần.
Hãy chuẩn bị thật kĩ, bạn sẽ có chuyến trải nghiệm thật an toàn và để đời.